Wednesday, March 26, 2014

NHỮNG “THÀNH QUẢ” CÓ 1 KHÔNG 2 TẠI THIÊN ĐƯỜNG XHCN VIỆT NAM KÉO CÀY THAY TRÂU Ở THẾ KỶ 21

“TRÂU CÀY” Ở THẾ KỶ 21

Hôm 16 tháng Ba vừa rồi, TS Nguyễn Thị Từ Huy có dịp đọc bài báo tựa đề “Xem nông dân Hưng Yên kéo bừa thây trâu” mà xem chừng như không dằn được bực tức. Đó là cảnh mà blog Dân Lầm Thang gọi là “Thiên đường mới: Người kéo bừa thay trâu”. Theo báo mạng trong nước, trong khi nhiều người vẫn còn đang ăn Tết, du xuân… thì nông dân ở nhiều nơi phải ra đồng làm việc. Và tại Hưng Yên, “không trâu, không tiền thuê máy, một số hộ nông dân phải dùng sức người kéo bừa”, như báo Tiền Phong từng mô tả: 
“Sáng mùng 6 Tết, ông Phạm Văn Kháng, 47 tuổi (xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng con trai ra bừa khoảnh ruộng nhỏ ngay giáp quốc lộ 5. Sợi dây thừng được buộc vào hai đầu chiếc bừa, con trai ông Kháng vòng qua bụng, hai tay nắm chặt dây, kéo bừa đi. Đằng sau, ông Kháng lựa chiếc bừa đi theo bước chân con trai…

Cách ruộng của ông Kháng vài khoảnh, dù ruộng khá rộng, nhưng cô Hòe (Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng ba con gái cũng đang bừa ruộng bằng sức người. Cô Hòe cầm bừa, trong khi ba cô con gái ra sức kéo chiếc bừa trên ruộng cạn.”

Trước cảnh, nhất là phụ nữ, kéo bừa thay trâu đó, TS Nguyễn Thị Từ Huy nêu lên câu hỏi rằng “Bao giờ anh thôi sống hèn?”, “đàn ông các anh, nhìn cảnh này có nghĩ gì không, có cảm thấy gì không?”.

Blogger Đào Dục Tú  viết “mấy dòng tạp cảm” về tình trạng “ ‘trâu cày’ ở thế kỷ 21”, lưu ý đặc biệt cảnh 3 cô gái ở một làng quê Hưng Yên kéo bừa thay trâu khiến xúc động nhân tâm, khiến, vẫn theo blogger Đào Dục Tú, “ Thậm chí có người  quy kết thẳng thừng vì đàn ông, các đáng mày râu nước này, quá hèn nên mới để chị em phải cõng việc thay trâu thật quá ‘phản cảm’ ở thế kỷ 21”.

Cảnh kéo cày thay trâu đã có hồi trước năm 1945. Bây giờ lại tái diễn cái cảnh này. Nó cũng chỉ là một trong những cảnh khổ (của nông dân ngày nay) thôi. 
-Blogger Phạm Đình Trọng

Qua bài “Ba cô trời rét kéo bừa thay trâu”, blogger Đào Dục Tú khẳng định rằng cho dù cảnh không vui ấy có thể là trường hợp cá biệt đi chăng nữa, thì chuyện con người phải kéo bừa thay trâu ở năm 2014 trong thế kỷ 21 này, ở năm thứ 39 kể từ ngày đất nước gọi là thống nhất, hòa bình và cùng đi lên “thiên đường” XHCN cũng “ khó có ai có thể chấp nhận, ngoảnh mặt vô cảm ngó lơ”.

Tác giả Đào Dục Tú cho biết là không muốn “vơ đũa cả nắm trách cứ đàn ông nước Việt”, khẳng định rằng họ quyết không phải là “nguyên nhân chính” đẩy chị em, mà cụ thể là ba chị em Hưng Yên vừa nói, vào cảnh kéo bừa thay trâu. Mà theo tác giả, nguyên nhân sâu xa, cũng là sự thật đáng buồn này, chính là do chính sách vĩ mô về nông nghiệp, nông dân nông thôn, dù có tốt đẹp bao nhiêu trên lý thuyết, lại “lộ ra quá nhiều sai lầm, sai lệch trầm trọng” trên thực tế, mà hậu quả nhãn tiền “giữa thanh thiên bạch nhật” là tình trạng cưỡng chế đất đai khắp nơi trong nước hiện nay; là tình trạng dân oan lũ lượt về thủ đô khiếu kiện “đứng ngồi vạ vật” trước  cơ quan công quyền cao nhất để kêu giải oan; rồi chuyện nông dân nhiều nơi bỏ ruộng “chạy lấy người”, tứ tán đi làm thuê làm mướn; rồi chuyện trẻ em vùng cao “quê hương cách mạng một thời” chỉ mong ngóng bát cơm có chút thịt, cho dù là thịt chuột...

Tác giả Đào Dục Tú khẳng định rằng chừng ấy thực trạng không còn là cá biệt nữa trong nhiều năm nay; và thực tế ấy có thể được xem như một hình thức “phản biện” đối với nhiều chính sách “vĩ mô” được mô tả là “vô cùng tốt đẹp” ở nhiều vùng miền, đặc biệt ở những nơi đất ruộng trở thành “điểm nhậy cảm” và vùng sâu vùng xa. Tác giả liên tưởng đến:

“Hình ảnh cánh đồng bị cắt chia chăng dây đóng cọc hoặc kín cổng cao tường và  những dãy căn hộ cao cấp cao tầng, những khu biệt thự kéo dài không người ở trên cánh đồng xưa kia mầu mỡ ruộng mật bờ xôi ở ven quốc lộ cách thủ đô không xa. Chỉ riêng những chiến dịch bất động sản một thời sôi sùng sục như vạc dầu không biết đã thu hút vào các đại gia bên trong và bên ngoài nhà nước bao nhiêu là đất  ruộng để rồi đẩy đến tình trạng đóng băng nhà cửa đất đai khiến nhà nước phải đổ hàng ngàn tỷ cấp cứu, nhưng nghe chừng không cứu được!  Để rồi không biết bao nhiêu gia đình nông dân… đã và đang rơi vào cảnh như cây bật gốc vì  mất chân đế cơ bản là ruộng, là nghề trồng cấy cổ truyền...”

Rồi hình ảnh ba cô gái kéo bừa thay trâu khiến tác giả không khỏi liên tưởng đến câu thơ dân gian “Ba cô đội gạo lên chùa” trong bối cảnh quá thanh bình êm ái của ngày xưa, để ngày nay chỉ thấy trước mắt trên màn hình nhỏ “Ba cô trời rét kéo bừa thay trâu”!

Blogger TuấnDDK khẳng định rằng “hình ảnh người nông dân kéo cày thay trâu, lặp đi lặp lại suốt hàng chục năm và hoàn toàn không phải là cá biệt”, cho thấy điều gọi là “chiến thắng của nông nghiệp” phát xuất từ tình trạng “mồ hôi của nông dân đang phải bán quá rẻ” trong bối cảnh tỷ lệ đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp trong tổng vốn đầu tư xã hội vừa quá ít lại vừa bị cắt giảm…

Từ Hà Nội, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nhận xét rằng vấn đề người nông dân VN phải kéo bừa, kéo cày thay trâu thì có thể người nước ngòai thấy lạ, nhưng dân trong nước, trong những năm gần đây, thấy việc đó đã trở thành bình thường - nó bình thường trong một xã hội không bình thường. Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh giải thích rằng khi sức kéo không còn và người dân phải tự lao động trên mảnh đất giữa lúc mức chi phí về nông nghiệp rất lớn trong khi nông phẩm lại rất rẻ, không thể bù đắp được, thì người dân không thể có đủ tiền để thuê máy móc nhằm thay sức lao động con người. Trong khi đó, họ nuôi con trâu, con bò trong thời điểm này cũng không phải dễ dàng, đồng cỏ thì ngày càng bị thu hẹp…thì con người phải dùng sức lao động của mình để thay trâu bò! Blogger JB Ngưyễn Hữu Vinh lưu ý:

“Tình trạng này phát xuất từ một thời gian dài người ta phát động “3 cuộc cách mạng”, trong đó thì cuộc cách mạng KH-KT là ‘then chốt”, rồi thì cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng tư tưởng văn hóa… Nhưng chúng tôi thấy đây là cái “thành quả” đi ngược lại xu thế tiến bộ xã hội, đi ngược lại thành quả mà thế giới đạt được. Trong khi thế giới đang tiến hành những lao động bình thường, giản đơn cùng nhiều loại lao động khác chủ yếu bằng máy móc để thay thế sức lao động của con người, thì người VN trong xã hội ngày nay lại thay trâu bò kéo cày.”

Về vấn đề này, blogger Phạm Đình Trọng từ trong nước phân tích:

“Cảnh kéo cày thay trâu đã có hồi trước năm 1945. Bây giờ lại tái diễn cái cảnh này. Nó cũng chỉ là một trong những cảnh khổ (của nông dân ngày nay) thôi. Nhưng cái khổ lớn nhất của nông dân bây giờ là họ bị mất đất đai. Đó mới là điều nguy hiểm! Tức là trong số người dân VN hiện nay, thì giới nông dân là khổ nhất và cuộc sống của họ bị đe dọa đến tận cùng rồi. Người nông dân phải thay trâu cày cũng đã là khổ rồi, nhưng cái nguy hiểm hơn là đất của họ có thể bị tước mất vào bất cứ lúc nào. Đó mới là điều đen tối, nguy hiểm và bi đát của người nông dân ngày nay.”

Thưa quý vị, vừa rồi là cảnh người nông dân thế kỷ 21 kéo cày thay trâu. Bây giờ là cảnh “sang sông bằng bao ny-long” của cô giáo và học trò ở vùng cao thuộc tỉnh Điện Biên.

Lãnh đạo chui vào túi nào?

Hình ảnh chụp từ video clip: cô giáo chui túi nilon vượt suối lũ đến trường.

Qua bài “Trường mẫu giáo Sam Lang: Có ai rơi nước mắt?”, blogger Cao Thoại Châu mở đầu rằng “dù rộng lòng hay lạc quan tới mấy thì cũng khó lòng coi là chuyện cười ra nước mắt cảnh các cô giáo và học trò trường mẫu giáo Sam Lang tỉnh Điện Biên ngày ngày qua sông trong 6 tháng mùa mưa bằng một ‘phương tiện giao thông thủy’ không hề có trên đất nước này (trước đây) và chắc cũng khó có ở nơi nào trên trái đất này. Và tác giả không khỏi kinh ngạc:

“Thật không hình dung ra nổi cái cảnh những con người ngồi trong bao nilông nhờ một người khác một tay túm bao, tay kia bơi kéo “bao người” qua dòng nước chảy xiết. Và hình ảnh này sẽ cứ còn chìm trong im lặng nếu không được chính “khách qua sông” là các cô giáo quay lại bằng điện thoại di động…Chuyện người dân trong đó có cả học trò ngày ngày qua sông bằng cách đu dây ròng rọc vừa nguy hiểm vừa hết sức nghịch lý đã từng xảy ra… nhưng có ai rơi nước mắt rùng mình khi lỡ sơ sẩy một chút thì sinh mạng của cô và trò nơi ấy đã trôi theo dòng nước?”

Qua bài “Chui vào… ‘Lãnh đạo chui vào túi nào’?”, Blogger Bùi Văn Bồng nêu lên câu hỏi rằng “Phải chăng Bộ GTVT và các địa phương chỉ nhăm nhe dán mắt vào các Dự án lớn, đắt tiền để… có chùm khế ngọt thật to chia nhau?”, và “Bao giờ thì có những cây cầu treo dân sinh vượt suối trên tuyến Nà Hỳ - Sam Lang cho các thầy cô và học sinh có thể an tâm tới trường, cho người dân bình an lên nương?”. Về vấn đề này, blogger Phạm Đình Trọng cảnh báo:

Thật không hình dung ra nổi cái cảnh những con người ngồi trong bao nilông nhờ một người khác một tay túm bao, tay kia bơi kéo “bao người” qua dòng nước chảy xiết. 
-Blogger Cao Thoại Châu

“Có điều bi đát là trong lúc nhu cầu tối thiểu về cuộc sống của người dân còn thiếu thốn như thế thì người ta đổ ra hàng chục nghìn tỷ, hàng trăm nghìn tỷ để xây, chẳng hạn như, đền tưởng niệm của những Trần Phú, của những nhà cách mạng tiền bối.v.v… Đó là những cái rất là nghịch lý.”

Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh cho đây không phải là trường hợp cá biệt, đồng thời, nó thể hiện mạng sống con người bị coi rẻ ở VN:

“Thật ra, khi nói đến hiện tượng như vậy thì người ta nghĩ rằng mình nói xấu, nghĩ rằng mình tiêu cực, nghĩ rằng mình không có cái nhìn lạc quan…Nhưng dù có muốn thì người dân khó có thể lạc quan trước hiện tượng như vậy. Và theo chỗ tôi biết, hiện tượng như vậy không phải là cá biệt. Nó chỉ đơn giản thể hiện rằng mạng sống của người dân Việt Nam trong nước hiện nay rất rẻ! Tại VN hiện nay, đất đai đắt, nhà cửa đắt, mọi thứ đều đắt, chỉ có mạng con người thì rất rẻ, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi, mạng sống người dân bị coi rẻ. Vấn đề này, nếu người ta cho rằng mình nói xấy hay thế nào đó, thì tôi xin miễn bình luận. Mà tôi chỉ biết rằng đó là nói thật, và nói thật nó khác với nói xấu. Vì đó là sự thật. Và có những sự thật ở VN ngày nay còn đau xót hơn thế nữa!”

Vẫn theo bloger JB Nguyễn Hữu Vinh, hiện tượng đó phản ảnh điều mà người ta giăng những khẩu hiệu khắp nơi, trên khắp mọi nẻo đường của đất nước, ở những chỗ trang trọng nhất trong các hội trường, trong các hội nghị, trong các cuộc phát động tiêu tốn thậm chí hàng tỷ đồng gọi là “học tập đạo đức HCM”.

Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh chua chát rằng không biết cảnh “khách qua sông bằng túi ny long” có phải là một “thành quả cách mạng” hay không. Và nhà báo khẳng định là “cái lớp người hiện đang sống phè phỡn trên xương máu của người dân này là lớp người gọi là “con cháu HCM ”, khiến người dân không khỏi thấy đau xót là “nền giáo dục mà hồi năm 1945, ông HCM gọi là nền giáo dục hòan toàn VN, thì cái nền giáo dục đó đã tạo ra loại người như vậy tức những người hiện đang lãnh đạo đất nước này, đang tạo ra một đất nước như ngày hôm nay.

Thanh Quang cảm ơn quý vị vừa theo dõi Tạp chí Điểm Blog hôm nay, và xin hẹn với quý vị tuần sau.

1 comment: