Sunday, April 14, 2024

TỔ CHỨC IOM LÀM PHIM PHÓNG SỰ VỀ TỆ NẠN BUÔN BÁN PHỤ NỮ TRẺ EM TỪ VIỆT NAM SANG CAMBODIA

Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Vào khi tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em từ Việt Nam sang Campuchia tiếp diễn đáng ngại, một số tổ chức từ thiện quốc tế đang hoạt động tại Campuchia hiện đang thực hiện một cuốn phim phóng sự về tệ nạn này, và sẽ phổ biến rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.
Phần âm thanh

Mục sư Ngô Đắc Lũy thuộc Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam đang hoạt động từ thiện ở Campuchia có tham gia trong việc làm phim này. Qua cuộc phỏng vấn của Thanh Quang, Mục sư Ngô Đắc Lũy trước hết tóm tắc nội dung phim như sau:

Mục sư Ngô Đắc Lũy: Nội dung của phim xoay quanh tệ nạn buôn người và tệ nạn mại dâm ở Campuchia. Điểm chính của phim sẽ làm nổi bật vấn đề là cho dù những con đường khác nhau đưa nạn nhân trở thành gái mại dâm, nhưng sau cùng họ lâm vào tình cảnh tương tự là đều bị nhiễm HIV/AIDS và tử vong ở độ tuổi còn rất trẻ.

 
Thanh Quang: Thưa Mục sư, phim do tổ chức nào chủ trương và thực hiện, và thực hiện tại đâu?
Mục sư Ngô Đắc Lũy: Đây là một phim phóng sự, được thực hiện do sự phối hợp giữa Tổ chức Di trú Quốc tế IOM tại Campuchia với một tổ chức bất vụ lợi khác của Scotland cũng đang hoạt động tại Campuchia là Sang Salatak Building Arts.
Phía IOM thì cung cấp toàn bộ kinh phí cho việc làm phim và chịu trách nhiệm về nội dung. Còn phía Sang Salatak Building Arts thì chịu trách nhiệm về kỹ thuật và mỹ thuật. Phim chủ yếu được thực hiện tại thành phố Phnom Penh, thành phố Sihanoukville, ở các tỉnh Kamponsom, Sim Reap – những nơi có nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ diễn ra trầm trọng.
Nội dung của phim xoay quanh tệ nạn buôn người và tệ nạn mại dâm ở Campuchia. Điểm chính của phim sẽ làm nổi bật vấn đề là cho dù những con đường khác nhau đưa nạn nhân trở thành gái mại dâm, nhưng sau cùng họ lâm vào tình cảnh tương tự là đều bị nhiễm HIV/AIDS và tử vong ở độ tuổi còn rất trẻ.
Tôi xin trình bày thêm rằng thời lượng của phim phóng sự này là 20 phút, và chúng tôi dự trù phải làm việc ròng rã suốt hai tháng để hoàn tất cuốn phim này.
Thanh Quang: Thưa nhân đây xin Mục sư cho biết những người đóng trong phim được tuyển chọn từ đâu?
Mục sư Ngô Đắc Lũy: Thực ra đây không phải là một phim truyện, mà là phim phóng sự về thực trạng buôn người từ Việt Nam sang Campuchia, cùng thảm cảnh của các nạn nhân ở những nhà chứa - nhất là các trẻ vị thành niên.
Cho nên trong phim không có những diễn viên chuyên nghiệp, mà các nhân vật xuất hiện trong phim đều là những cá nhân có liên quan đến tệ nạn mại dâm và buôn người, kể cả một số chủ nhà chứa, đầu nậu buôn người, một số những người cha, người mẹ vì nghéo túng hay cờ bạc mà phải bán con vào nhà chứa; và đối tượng chính, cuối cùng, là một số nạn nhân đã được giải cứu khỏi các nhà chứa – những em gái tuổi từ 12 đến 20.
Đối tượng này chúng tôi tuyển chọn thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất, từ Việt Nam, bị bọn buôn người lừa gạt bán vào các nhà chứa; Nhóm thứ hai gồm những nạn nhân bị chính cha mẹ bán vào nhà chứa. Và nhóm cuối cùng là các nạn nhân, vì sự đua đòi hay dại dột, mà tự nguyện vào nhà chứa.
Thanh Quang: Thưa Mục sư, theo dự trù thì chừng nào cuốn phim này mới hoàn thành?
Mục sư Ngô Đắc Lũy: Thực ra phim được khởi quay từ đầu tháng 7 vừa rồi, và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng Tám này. Tuy nhiên, sau đó phim còn phải được biên tập, xử lý về mặt kỹ thuật. Vì đối với những người trong phim là trẻ vị thành niên, thì các nhà làm phim phải dùng kỹ thuật nào đó để che phần mặt của các em lại.
Đó là do yêu cầu của Bộ Phụ nữ Campuchia, của Tổ chức Quốc tế Nhân quyền muốn bảo vệ nhân phẩm cho các em. Rồi sau đó, phim được nhân bản, mà theo dự trù, có thể lên tới 70,000 bản VCD. Nên phải đến tháng 11 năm 2006 này phim mới chính thức được phát hành.
Thanh Quang: Thế cuốn phim này sẽ được phổ biến như thế nào?
Thực ra đây không phải là một phim truyện, mà là phim phóng sự về thực trạng buôn người từ Việt Nam sang Campuchia, cùng thảm cảnh của các nạn nhân ở những nhà chứa - nhất là các trẻ vị thành niên.
Mục sư Ngô Đắc Lũy: IOM Campuchia có kế họach phân phối miễn phí tất cả phiên bản phim đến các quán cà phê ca nhạc của người Việt tại Campuchia, rồi đến từng gia đình người Việt ở xứ này.
IOM cũng nỗ lực phổ biến phim này tới gia đình người Việt ở vùng ĐBSCL, với hy vọng người dân ở đó, sau khi xem phim, có thể nhận thực đầy đủ và đúng đắn về những hệ lụy của tệ nạn mại dâm đối với cộng đồng, để họ có sự phối hợp tốt hơn với các tổ chức quốc tế cùng giới cầm quyền nhằm ngăn chận tệ nạn này.
Thanh Quang: Thưa trong quá trình thực hiện, cho tới giờ, tổ chức làm phim có gặp khó khăn gì không?
Mục sư Ngô Đắc Lũy: Thực ra thì tổ chức Sangsalatak Building Arts bao gồm nhiều nhà sản xuất phim chuyên nghiệp, cho nên việc IOM phối hợp với họ để thực hiện cuốn phim này, chúng tôi thấy mọi việc diễn ra thuận lợi và suông sẽ về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít, chủ yếu đến từ các đối tượng cần được khai thác trong phóng sự, từ các chủ chứa, đầu nậu buôn người, từ những người cha người mẹ bán con cho đến bản thân các nạn nhân.
Tất cả đối tượng này, khi được mời hợp tác, họ hết sức ngại ngùng. Chính vì vậy mà chúng tôi phải mất nhiều thời gian để thuyết phục họ hợp tác trong phim. Nhưng cho đến giờ này đã có nhiều người hợp tác rồi, và chúng tôi bắt đầu gặp nhiều thuận lợi.
Thanh Quang: Còn về phía chính quyền, thì theo Mục sư được biết, chính quyền Campuchia, và cả Việt Nam nữa, có phản ứng như thế nào về kế họach dựng cuốn phim này?
Mục sư Ngô Đắc Lũy: Trước hết về phía chính quyền Campuchia, thì chúng tôi được phép của Bộ Nội Vụ, Bộ Phụ Nữ và Tổ chức Ad Hoc bảo vệ nhân quyền ở Campuchia; các cơ quan này không những cho phép chúng tôi tác nghiệp mà còn hết sức ủng hộ chúng tôi.
Còn phía Việt Nam thì hiện chúng tôi chưa nhận được phản ứng gì. Nhưng có lẽ sau khi phim phát hành, nhất là sau khi phim được phổ biến về các gia đình ở ĐBSCL, thì chắc chắn chúng tôi sẽ nhận được phản hồi từ phía nhà cầm quyền Việt Nam. Hy vọng đó là những phản hồi tích cực.
Thanh Quang: Xin cảm ơn Mục sư Ngô Đắc Lũy.

No comments:

Post a Comment