Tuesday, November 20, 2012

Buôn Bán Phụ Nữ Xuyên Biên Giới Thời Đầu Mở Cửa (Kỳ 1)


Buon ban phu nu xuyen bien gioi thoi dau mo cua (Ky 1)

Những chuyến đi vào ... “địa ngục” Những năm 90 của thập kỷ trước và những năm gần đây, nhất là ở các vùng quê xuất hiện một trào lưu, các cô gái đua nhau xuất ngoại bằng nhiều hình thức khác nhau để kiếm việc làm. Đây chính là "miếng mồi" ngon cho bọn buôn bán phụ nữ ra nước ngoài kiếm tiền bất chính. Thủ đoạn của chúng tinh vi đến mức, các nạn nhân tự nguyện, thậm chí tranh nhau nộp tiền cốt sao để được ra nước ngoài, rồi sau đó bị bán vào các động quỷ...


Đại tá Phạm Hữu Hỗ, nguyên Chánh văn phòng Interpol Việt Nam giải thích: Mong ước của các cô gái mới lớn là có một việc làm nhàn hạ, đồng lương cao đã đẩy họ đến tận cùng của nỗi đau là tự bán mình. Gia đình họ đã mất rất nhiều tiền, có nhà lên tới hàng chục nghìn USD với mong ước đổi đời cho con mà không hề biết bị lừa. Những gia đình ít tiền hơn, họ cho con đi làm ở các nước Đông Nam á, nếu khá giả hơn, thích thể hiện "đẳng cấp" hơn thì cho con đi Nga để rồi sang Đức hoặc vượt biên sang các nước Đông âu khác. Phương tiện đi lại qua biên giới các nước là ô tô, trong cốp xe nóng bỏng rát người. Có cô gái chưa kịp sang được đến nước Đức xa xôi, chưa hề thực hiện được ước mơ đổi đời đã phải bỏ mạng ở xứ người, không một người thân, không một nén nhang...Gia đình ở quê thì vẫn bị bọn lừa đảo đến tống tiền. 
Chuyến đi bão táp 
Chủ đường dây lừa phụ nữ sang Nga, các nước Đông âu, rồi sang Đức làm việc là Nguyễn Anh Cường và Nguyễn Quang Hiệp. Theo hồ sơ của Interpol Việt Nam và Interpol Đức thì 2 tên này đã thực hiện trót lọt nhiều chuyến đưa người sang Đức trái phép bằng con đường lừa đảo. Thủ đoạn của chúng là xin thẻ lưu trú khống, sau đó dán ảnh những nạn nhân chúng lừa được để họ tự bán mình với giá đắt... Thế là đi. Thẻ lưu trú, hộ chiếu, visa... đều là giả nhưng các cô gái và gia đình không hề biết, vẫn chi tiền để chúng làm thủ tục. Vì là giấy tờ giả nên đi đâu cũng phải chốn chui, chốn lủi, sợ cảnh sát phát hiện thì bị trục xuất về nước. 
Muốn sang Đức, bắt buộc phải nghỉ ở Nga để chờ cơ hội vượt biên. Vì thế, các cô gái cứ phải ăn chực, nằm chờ ở Nga chờ tín hiệu từ bọn đưa người qua biên giới "gật" đầu thì mới xuất phát. Tín hiệu có 2 dạng, một là bọn tội phạm người Việt đã móc nối được với cảnh sát Đức ở biên giới, hai là thời tiết xấu, có nhiều hàng đi kèm, có thể tránh được sự kiểm soát của cảnh sát. 
Các cô gái được vượt biên bằng cách, bọn tội phạm cho họ nằm vào cốp xe 4 chỗ, loại xe cũ nát mà chúng ta thường gọi là "com măng ca", với tư thế nằm tráo đầu đuôi. Nếu suôn sẻ, đúng như "lập trình" của bọn tội phạm, các cô gái chỉ phải nằm ở cốp xe 3 - 4 tiếng đồng hồ là có thể sang đến miền đất hứa. Nếu có sự cố, các cô phải nằm trong cốp xe hàng chục tiếng đồng hồ. Cốp xe nóng, thiếu ô xi để thở đến mức, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ, phần lớn các cô gái đã bị xỉu. Có nhiều trường hợp đã bị chết ngạt trong cốp xe vì quá nóng và thiếu ô xi. Nằm trong cốp xe, các cô gái được phát một bịch đá. Cứ 5 phút lại phải đưa đá lên mặt để chống khô, rộp da vì nóng. ấy thế mà nhiều gia đình vẫn bỏ tiền ra mua cái chết cho con mình?!. 
Đường dây tội phạm này bất nhẫn đến mức, có cô gái đã chết nhưng chúng vẫn cho người về Việt Nam đòi bằng được số tiền còn lại như đã thỏa thuận trước khi đem người đi (Sự việc này, chúng tôi sẽ đề cập trong những bài viết sau). 
Có gia đình, khi nghe Cường và Hiệp kể về "chuyến đi bão táp" qua biên giới, sợ con bị ngất, bị chết đã chuyển cho chúng thêm hàng chục nghìn USD để lo thủ tục đi sang Đức bằng đường hàng không. Visa giả có ngay. Chúng cấu kết với một số người của ngành hàng không, khi người của chúng xuống sân bay, họ được dẫn vào những chỗ vắng, thay quần áo là người phục vụ, là công nhân của sân bay. Các nhân viên này luôn tất bật làm việc đến mức thẻ luôn úp vào trong. Vừa lau nhà, vừa theo dõi ám hiệu để kịp bước về phía cửa dành cho nhân viên, để thoát ra ngoài... Mọi di biến động đều dưới sự giám sát của Cường và Hiệp. 
Tin nhắn lúc nửa đêm 
Đại tá Hỗ kể rằng: Khi còn tại chức, điện thoại của ông lúc nào cũng thông 24/24h, không được phép hỏng, trục trặc. Chưa bao giờ Đại tá có khái niệm tắt máy. Có những tin nhắn lúc nửa đêm - không phải trực, nhưng Đại tá bật dậy thật nhanh khỏi giường ngủ, lặng lẽ đi ra khỏi nhà, làm vợ ông đôi khi nghi ngờ. Nhưng rồi, nghề nghiệp đã giúp Đại tá tự giải thích giùm vợ về cái sự "bỏ nhau" giữa đêm ấy chỉ vì tin nhắn lạ. Đó có thể là tin "Chú ơi cứu cháu với, cháu bị bán làm mại dâm ở Matxcơva"; hay "Chú ơi cứu cháu với, cháu bị bán sang Nga...". Chuyện những cô gái này biết được số điện thoại của ông cũng theo đủ cách. Có người hỏi được lúc đi khách, có người gọi về Việt Nam nhờ người thân hỏi hộ. 
Một gia đình có con đi "xuất khẩu lao động" đang kể chuyện bị lừa.
Vì sao các cô gái lại sang được đó, và ai đã lừa họ?. Câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu và Đại tá đau đớn cho thân phận các cô gái phải bán mình bao nhiêu thì giận cha mẹ họ đã đẩy con vào con đường này bấy nhiêu. Dù rằng, mục đích của họ là muốn con được đổi đời, có cuộc sống tốt hơn nhưng họ lại không lường hết được sự việc. Họ cho con đi nước ngoài một cách "dấm dúi", không chính thống. Đến khi con gặp nạn, họ chẳng có manh mối gì cung cấp cho cơ quan công an mà chỉ kêu, chỉ than, chỉ một mực rằng: "Chú cứu con tôi với...". Hai cái tin nhắn quý báu đó được forward (chuyển tiếp) sang máy điện thoại của người có trách nhiệm của Interpol Liên bang Nga. Nó như mò kim đáy bể ở nước Nga rộng lớn. Cuối cùng các chiến sỹ công an cũng chắp nối được các thông tin như sau: Thanh, Hương, Hằng đang làm ruộng ở một vùng quê tỉnh Thái Bình. Tình cờ Thanh quen Hưng, chẳng biết ở đâu, chỉ biết, Hưng vừa ở nước Nga về, ăn mặc đẹp, muốn tuyển người sang đó làm công nhân may. Hưng kể rằng, cơ sở may bên Nga nhiều việc làm, công nhân làm không xuể nên phải tuyển thêm người. Nếu muốn sang Nga làm việc thì Hưng tuyển luôn, lương tháng là 700 - 800 USD, không mất tiền môi giới, tiền đặt cọc... 
Thanh kể với 2 người bạn là Hương và Hằng, 2 cô bạn thân của Thanh nhờ Thanh xin Hưng cho đi Nga cùng... Thế là chỉ cần gần 10 cái ảnh 4x6, hộ khẩu photo, chứng minh thư nhân dân là đủ, Hưng đưa được 3 cô gái quê lúa cùng 6 cô gái khác sang Nga. Họ phải trải qua "chặng đường bão táp" bằng tàu biển. Đến nước Nga, 9 cô gái được đưa thẳng về chung cư Rybak, 6 tầng ở Matxcơva. Qua một đêm ngủ lấy lại sức, sáng hôm sau, 9 cô gái được "học nghề" may ở nơi mà không hề có bất kỳ một trang thiết bị nào liên quan đến may mặc. Thực chất, đó là ổ mại dâm ở tầng hầm của chung cư nằm ngay giữa thủ đô nước Nga cổ kính. Những cô gái của "cơ sở may" này nói chuyện với nhau bằng những lời tục tĩu của thế giới tình dục làm cho 9 cô gái mới lớn, chưa có người yêu, từ đỏ mặt đến tím ngắt. 9 cô gái mới sang dưới sự chăn dắt của một tên dữ dằn tên Thuấn. Lúc này Hưng đã nhận tiền công cho công đoạn của mình và biệt tăm với những "dự án" tuyển lao động may mới ở các vùng quê Việt Nam. 9 cô gái van xin để được về nước và không chịu tiếp khách. Thuấn lạnh lùng nói: trả 5.000 USD thì cho về; không thì "tiếp khách" trả nợ. Không tiếp khách thì chấp nhận để người ta đánh...Biết không còn đường lui, Thanh, Hằng, Hương buộc phải chấp nhận "tiếp khách". 6 cô gái sang cùng đợt với họ bị bán sang Cộng hòa Czech. Sau gần 8 tháng tủi nhục, 3 cô gái Thái Bình được bọn chăn dắt ở Rybak thả lỏng hơn, họ được ra phố, đi chơi cùng khách... 
Trong một lần ra phố, Hương mượn được điện thoại di động của khách. Và, thế là cơ hội về quê nhà bắt đầu le lói... 
Quế Ngân 
Bài 2: Buôn phụ nữ sang "Tây" bằng container

No comments:

Post a Comment