Tình hình buôn bán người tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) không những không thuyên giảm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức
tạp. Thậm chí tại một số địa phương, nạn buôn bán người còn có dấu hiệu
gia tăng và biến tướng tinh vi, trở thành vấn đề xã hội nóng bỏng.
Đó là ý kiến chung của các đại biểu tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thí điểm Bộ tiêu chuẩn tối thiểu hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL do Bộ LĐ, TB&XH vừa tổ chức tại TP.HCM.
Vấn đề nóng bỏng
Trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế, cùng với những khó khăn kinh tế trong đời sống hằng ngày khiến phụ nữ và trẻ em ĐBSCL trở thành đối tượng béo bở của các loại tội phạm. Trong đó, nóng bỏng và nhức nhối nhất là tội phạm buôn bán người.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Kiên Giang đánh giá, tình hình mua bán phụ nữ và trẻ em (nhất là mua bán sang Campuchia) tại địa phương này diễn biến phức tạp, với nhiều biến tướng tinh vi.
Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 70 phụ nữ và trẻ em bị mua bán ra nước ngoài trở về. Ngoài ra, còn rất nhiều phụ nữ và trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do, nghi là bị mua bán ra nước ngoài.
Ông Trương Minh Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, nạn buôn bán người đã trở thành vấn đề nóng bỏng ở tỉnh này.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 144 đối tượng bị buôn bán trở về, số người qua tiếp nhận là 19 nạn nhân, trong đó có 5 trường hợp sang Thái Lan đẻ thuê; lo ngại nhất là hầu hết các nạn nhân là đồng bào Khmer.
Theo ông Chánh, bọn tội phạm thường móc nối với người của địa phương tuyển chọn phụ nữ có nhan sắc nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm sẵn hộ chiếu xuất cảnh để dễ bề dụ dỗ họ … đến khi hành vi mua bán diễn ra ở nước ngoài, các nạn nhân mới biết mình bị gạt bán.
Có trường hợp phụ nữ địa phương lấy chồng nước ngoài lợi dụng về thăm gia đình rồi móc nối với phụ nữ quen biết ở địa phương để gả bán. Nhiều trường hợp phụ nữ đến TP.HCM tìm việc làm bị dụ dẫn vào các tụ điểm buôn bán người dưới hình thức “xem mắt chọn vợ” của người nước ngoài.
Điều đáng lo nhất là một bộ phận phụ nữ Khmer bị gạt bán sang Campuchia làm gái mại dâm. Ông Chánh nhấn mạnh, tình hình buôn bán người tại Bạc Liêu hiện nay chưa có dấu hiệu giảm, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Đối với TP. Cần Thơ, bà Phạm Ngọc Phượng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Cần Thơ cho biết, vấn đề xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em để phục vụ các mục đích khai thác tình dục trên địa bàn TP. Cần Thơ ngày càng trở nên nóng bỏng.
Bà Phượng cho biết thêm, thực tế đã có nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lừa gạt và ép bán sang Campuchia, Trung Quốc; sau đó một trường hợp tiếp tục bị bán sang Thái Lan, Malaysia… Điều này đã chà đạp lên quyền con người của phụ nữ và trẻ em.
Hỗ trợ… “nửa vời”
Hầu hết các nạn nhân trở về đều phải đối mặt với những khó khăn như không có việc làm, tâm lý chán nản, thiếu kỹ năng sống, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền, không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân, sự kỳ thị của cả người thân và cộng đồng… Do đó, các nạn nhân cần phải được hỗ trợ, tiếp sức kịp thời. Tuy nhiên, tại hội thảo, ý kiến nhiều đại biểu cho rằng công tác hỗ trợ các nạn nhân gần như “chưa tới”.
Đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Kiên Giang cho rằng, có một số yêu cầu rất thiết thực đối với các nạn nhân nhưng các chính sách hiện hành chưa đề cập đến, hoặc có nhưng vượt ngoài khả năng của địa phương.
Khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí hạn hẹp nên công tác dạy nghề, tạo việc làm giúp các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng hiện nay chưa thật sự bền vững. Thậm chí có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm do chưa bố trí được nguồn kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ các nạn nhân.
Ngoài ra, quy định mức hỗ trợ tái hòa nhập ở địa phương chỉ cho áp dụng mức tối thiểu, mức hỗ trợ kinh phí học nghề cũng quá thấp so với nhu cầu thực tế… Quy định về trách nhiệm và sự cam kết thực hiện của các ngành có liên quan chưa rõ ràng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hỗ trợ các nạn nhân chưa được thực hiện kịp thời, đến nơi.
Bà Lê Thị Hà, Phó cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ, TB&XH) cho biết, sẽ phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn tối thiểu hỗ trợ nạn nhân để ban hành dưới hình thức một văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh đó, các địa phương phải bố trí kinh phí và lồng ghép vào các chương trình an sinh xã hội, khảo sát tình hình nạn nhân trở về và tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao để kịp thời hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Hoàng Hải
No comments:
Post a Comment